LỚP CHÍN TƯ ĐÔ THỊ
Kính tặng Thầy Cô Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
Với sỉ số lớp trong những ngày đầu ôn thi gần 120 sinh viên được tập hợp các địa phương miền Nam từ Quảng Ngãi vào đến tận Cà Mau.
Tên đầy đủ của lớp khi đã có kết quả đậu tuyển sinh là sinh viên Lớp 94 Thủ Đức, khoa Đô Thị chuyên ngành cấp thoát nước của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thời gian học 04 năm tại trường liên kết Xây dựng số 7 đường Võ Văn Ngân, quá trình học tập gồm 10 học kỳ, 39 môn, 09 đồ án ngành, thời gian 06 tháng chọn đề tài và hoàn tất đồ án tốt nghiệp.
Miền Nam, sau gần 20 năm giải phóng, đã qua thời kinh tế bao cấp, đất nước trong công cuộc đổi mới. Các doanh nghiệp ngành cấp thoát nước khi đó chỉ có cán bộ kỹ thuật được sử dụng lại từ chế độ Sài Gòn cũ, kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước chỉ có nguồn từ các tỉnh phía Bắc và một số tốt nghiệp tại Liên Xô cũ. Trong khi nhu cầu cấp nước sạch cho nhân dân tại các Thành phố, Tỉnh lỵ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và chỉnh trang xây dựng đô thị là hết sức cấp bách. Hai đơn vị chủ lực chuyên ngành cho miền Nam chỉ có Công ty Xây dựng Cấp thoát nước số 2 và Xí nghiệp Thiết kế Cấp thoát nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1994, Bộ Xây dựng đã mở chủ trương đột phá, đào tạo lớp tại chức đầu tiên, chiêu sinh kỹ sư đô thị chuyên ngành cấp thoát nước cho các Tỉnh phía Nam. Chất lượng sinh viên đa phần là cán bộ chủ chốt, kinh qua thực tế lao động và kinh nghiệm trực tiếp tại các Nhà máy. Độ tuổi không đồng đều, có một số em vừa tốt nghiệp phổ thông Trung học. Đây là lớp tuy là vừa học vừa làm, cốt cán nhưng đều được lựa chọn là các cán bộ có đạo đức tốt và tiềm năng cho tương lai lâu dài. Một số cán bộ đương chức đang trong vai trò lãnh đạo, một số công nhân lành nghề có liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành như: Mỏ địa chất, thủy lợi, xây dựng… cũng theo học với mong muốn am hiểu về lĩnh vực xử lý nước, mạng lưới cấp và thoát nước.
Trong giai đoạn 02 năm đầu học đại cương, có nhiều thầy cô của Trường Xây dựng số 7 hỗ trợ và hợp tác. Đây là giai đoạn gian khổ và trầy trật, bộ máy quản lý lớp cùng các thầy cô bộ môn đều gắng sức tổ chức học tập và tạo điều kiện ăn nghỉ cho sinh viên bằng cơ sở vật chất của nhà trường hoặc thuê mướn ở vùng lân cận. Các sinh viên lớn tuổi phải vừa học, vừa chăm lo việc gia đình lại phải trở về cơ quan công tác ở kỳ nghỉ giữa 02 học kỳ, nỗ lực học tập hết sức tuyệt vời và đáng được trân trọng.
Ngày lên đường ra Thủ đô Hà Nội, về trường gốc là Đại học Kiến Trúc để bảo vệ đồ án tốt nghiệp nhận bằng kỹ sư. Đa phần sinh viên đều lần đầu tiên ra Hà Nội với ký ức trong tiềm thức là những lời ca bài hát của nhạc sĩ Phan Nhân:
Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời
Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô
Trời lộng gió thênh thang năm cửa Ô…
Phương tiện ra Bắc là đường sắt gần hai đêm một ngày. Đêm chia tay người thân tại ga Hoà Hưng thấm đậm nước mắt, vì chưa bao giờ phải di chuyển với cự ly không tưởng gần 2.000 km, trong khi ngày về còn xa thăm thẳm.
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi, đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nổi chia xa
......
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi kéo kẻ về
(Thơ Tế Hanh)
Tàu vượt qua đèo Hải Vân vào lúc nữa đêm, thì cùng với tiếng rít của gió, của bánh sắt cọ vào đường ray là tiếng hát từ các loa thông tin của mỗi toa tàu. Ca sĩ Thanh Hoa với văng vẳng giọng nữ cao, réo rắt đi vào tim con người của bài ca "Tàu anh qua núi"
.....
Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi
Nhớ khi xưa qua đèo qua núi
Mà lòng ta mơ tàu cao núi cao
.....
Là thương nhau em bắt cầu cho tàu anh tới
Là yêu nhau mấy suối em cũng lội
Là yêu nhau mấy núi em cũng trèo.
Những cảm xúc của ngày đầu đến Hà Nội đến nay vẫn còn đó. Nhớ cảm giác đạp xe qua phố, qua ngõ của chợ Đồng Xuân, qua đường Tây Sơn với Gò Đống Đa chiến thắng 20 vạn quân Thanh buộc Tướng Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vận ở Loa Sơn. Đến đường đê Yên Phụ vượt cầu Long Biên. Đi ngang qua phố Khâm Thiên, đường Trường Chinh âm vang với những gian khổ người dân Hà Nội trong chiến trận B52 cùng với 12 ngày đêm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".
Bạn học Lớp 94 Đô thị - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
Ảnh chụp ngày 24/8/1998 tại cầu Thê Húc (Đền Ngọc Sơn, Hồ Gươm) Từ trái sang: Ẩn (Tiền Giang), Sơn (Đắc Lắc), Tâm (Sóc Trăng), Hùng (Bến Tre), Bách (Đắc Nông)
Hội đồng chấm thi Đồ án tốt nghiệp Lớp 94 Đô thị năm 1998
Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội
Tốt nghiệp ra trường năm 1999 nhưng mãi đến năm 2010 lớp 94 đô thị mới tổ chức họp mặt lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, lần thứ hai tại Sóc Trăng năm 2012 và mới đây năm 2014 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Mỗi cuộc gặp gỡ là dịp các người bạn cũ ôn lại chuyện xưa, thăm hỏi gia đình và sức khỏe, nhiều anh bạn nay đã lên chức nội, chức ngoại nhưng vẫn huyên thuyên cười nói trao đổi như năm nào ở độ tuổi sinh viên.
Buổi họp mặt Lớp 94 Đô thị lần thứ I năm 2010 tại TP. HCM
Buổi họp mặt Lớp 94 Đô thị lần thứ II năm 2012 tại Sóc Trăng
Buổi họp mặt Lớp 94 Đô thị lần thứ III năm 2014 tại Đồng Nai
Gặp anh Nguyễn Đình Thắng, lớp trưởng vẫn với phong cách trách nhiệm và năng nỗ hoàn thành vai trò của đại diện sinh viên cho lớp học.
Gặp lại các cô bạn nữ nay đã là Phó Giám đốc của công ty như: Mai Ngọc Thu tỉnh Đồng Nai, Phượng tỉnh Bến Tre, Hằng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Các bạn nam, ngoài anh Lê Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Bạc Liêu, Đặng Văn Ngọ - Giám đốc Sóc Trăng; các Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Ẩn - Tiền Giang, bạn Phát, Bản ở Vĩnh Long, Minh, Ân ở Kiến Tường, Trần Minh Thiện ở Đồng Tháp, Trần Đình Khiêm, Đặng Văn Quang ở Kontum, Thành phố Hồ Chí Minh có Nguyễn Quốc Thái - Giám đốc Công ty thoát nước đô thị. Một số bạn chuyển sang công tác tư vấn thiết kế cấp thoát nước như: Trần Quang Khải - Cần Thơ, Nguyễn Đình Khoa - Đắc Lắc. Số đông đều trưởng thành và phụ trách Phòng kỹ thuật của các Công ty Cấp nước các tỉnh, thành phố.
Định kỳ 02 năm/lần cùng với Hội thao ngành Cấp thoát nước của Chi hội Cấp nước miền Nam và năm 2016 sẽ tổ chức họp mặt Lớp 94 Đô thị tại Thành phố Cần Thơ.
Trong chuyến du hành xuyên Việt năm 2012, Đoàn tham quan Công ty TNHH MTV Cấp
nước Sóc Trăng có ghé đến thăm và giao lưu với các Công ty cấp thoát nước một số
Tỉnh, Thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng miền Bắc. Gặp Anh Quý - Chủ tịch Công ty
ở Nam Định và Anh Đoàn - Tổng Giám đốc ở Hải Dương. Ngoài việc tay bắt mặt mừng,
phát hiện thú vị hơn đây lại là các bạn đồng môn khác khóa của Trường Đại học
Kiến Trúc Hà Nội. Lại một dịp trò chuyện ôn nhớ Thầy Cô và những kỷ niệm năm
tháng của sinh viên vùng Cao Xà Lá (Các công ty: Cao su - Xà phòng - Thuốc lá
) và Thanh Xuân, Nguyễn Trãi, Hà Đông.
Vẫn gìn giữ mối thâm tình xưa, thầy Vũ Minh Đức, cô Ngọc đã 2 lần đến Sóc Trăng cùng thăm các địa phương như An Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu. Hôm khai mạc Triển lãm hội chợ Quốc tế ngành cấp thoát nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, cô Dung và cô Hương, Chủ nhiệm Khoa đô thị (nay là Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Bộ xây dựng) đã có buổi liên hoan gặp mặt các cựu sinh viên Khoa Đô thị Lớp 94 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Thầy Đức, Cô Ngọc đến thăm Công ty Cấp nước Sóc Trăng, Bạc Liêu và tham quan Vườn chim Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Lớp chín tư đô thị theo năm tháng, qua công việc chuyên môn, gặp nhau trong các dịp hội thảo chuyên đề, trong các kỳ liên hoan, lễ hội của ngành cấp và thoát nước miền Nam. Tay bắt, mặt mừng, thăm hỏi chuyện gia đình, mãi mãi lưu niệm và lưu nhớ những gian khổ học tập của thời sinh viên, mãi ghi ơn công giảng dạy của các thầy cô Trường Xây dựng số 7 Thủ Đức và Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.
Một kỷ niệm đẹp và là một khoảng lặng thời gian mang dấu ấn của một đời người trong cuộc sống.
CAO VĂN TÂM
Sinh viên Lớp 94 đô thị Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội