Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Phú Thọ vinh dự tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Cấp thoát nước Việt Nam lần thứ hai nhiệm kỳ IV vào ngày 19/4/2011 và là doanh nghiệp nghiệp duy nhất trong toàn quốc có cổ phần Nhà nước không chi phối (cổ đông chiến lược 15%, cổ phần nhà nước 24%, còn lại là cổ phần của tập thể cán bộ, công nhân viên chức). Tại hội nghị đã thảo luận và thống nhất biểu quyết bầu Thứ trưởng thường trực Bộ xây dựng Cao Lại Quang giữ chức Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2014 là người có nhiều năm gắn bó và quan tâm với chuyên ngành cấp thoát nước.

Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Thọ


            Phú Thọ là khu vực Trung tâm của nước Văn Lang xưa, đền Hùng là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Đây là nơi thờ tự các Vua Hùng, tổ tiên chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam với nhiều truyền thuyết: Lạc Long Quân; Mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng; Sự tích bánh Chưng, bánh Dày; Trọng Thủy Mỵ Châu; Phù Đổng Thiên Vương…

Khu di tích lịch sử Đền Hùng


            Các ngôi đền, chùa trên núi Hùng là một quần thể kiến trúc gồm: Cổng chính, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, cột đá Thề và đền Giếng. Ngọn núi Cả cao nhất trong vùng với 175 mét so với mặt nước biển.

 

            Đền Hạ: Tương truyền nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Nghĩa “đồng bào”, cùng một bọc truyền thuyết được bắt nguồn từ đây. Trên đền còn có cây Vạn tuế 3 ngọn có gần 800 năm tuổi.

 

            Đền Trung: Tương truyền nơi đây vua Hùng thường họp bàn việc nước, cùng với sự tích thi tài sáng tạo ra bánh Chưng, bánh Dày tượng trưng cho Trời và Đất của Hoàng tử Lang Liêu...

 

            Đền Thượng: Đền có tên chữ là “Kính thiên Lĩnh điện”, nghĩa là Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Thời Vua Hùng Vương, núi Nghĩa Lĩnh là nơi tế lễ trời đất, tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.

Cổng Đền Thượng

 

            Cột đá thề: của An Dương Vương “...Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi mãi, nếu về sau các vua kế trị mà trái ước bội thề, thì búa trăng rìu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước...”  Qua thời gian, dấu tích cột đá bị vùi lắp, nay đã tôn tạo khang trang bằng Cột đá màu xám đỏ đẹp mắt.


            Đền Giếng: Nơi đây 2 nàng công chúa, con gái vua Hùng Vương thứ 18 thường đến soi gương và chải tóc ở Giếng ngọc. Gắn với Tiên Dung công chúa là câu chuyện truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử, gắn với Ngọc Hoa công chúa là truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.


            Tại Đền Giếng cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1969, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trích dẫn viết trên báo Nhân Dân.

 

LỜI HỒ CHỦ TỊCH

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

 

            Ngày nay và từ bao đời xưa, mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về ngày Giỗ Tổ qua câu ca được truyền tụng:

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

 

             Dịp đến thăm Đất Tổ, các ám ảnh về việc cảnh bát nháo, chụp giựt du khách mà công luận thường lên tiếng hầu như không có. Do đã qua ngày giỗ chính gần một tuần lễ và vắng vẻ khách bộ hành. Cô hướng dẫn viên tự nguyện vui vẽ với giọng miền Bắc, am tường lịch sử đã thuyết minh thu hút được sự đồng thuận của khách từ phương Nam mới lần đầu được đến thăm Quê hương đất Vua Hùng. Nhưng đến lúc nhận những bức ảnh thuê chụp kỷ niệm thì phát hiện đã có sự đồng thuận gian lận bởi kỹ thuật ghép hình của phần mềm xử lý ảnh photoshop, không chụp mà vẫn có ảnh ở những cảnh dựng sẳn để tính và thu thêm tiền. Lại một cảnh báo mới cho du khách phương xa cần lưu ý.

 

            Ngược về Vĩnh Phúc ngang Cầu Việt Trì bắc qua Sông Thao, một phát hiện lạ lùng duy nhất Việt Nam với đường thuận là chiều bên trái không tuân theo luật giao thông. Đến xế trưa đã đến được Vườn quốc gia Tam Đảo: Một khu vực núi đá trùng điệp vùng phía Bắc cách thành phố Vĩnh Yên 7 km và muốn lên đỉnh phải vượt qua gần 11 km toàn là đường đèo dốc, khúc cua hết sức nguy hiểm và có chiều ngang đường quá chật hẹp.

 

Cầu Việt Trì


              Khí hậu mát mẻ vào mùa hè và rất lạnh về mùa đông, quần thể có độ cao trên 1.500 mét rất thích hợp cho du lịch và nghỉ mát. Trên đường đi du khách thích thú ngắm nhìn nhà phố kiểu Tây, xa xa như những cánh nấm nhiều màu sắc, bám vào vách núi không ngay ngắn và ngả nghiêng theo triền dốc của mỗi địa hình, cộng với những đám sương  mù bao phủ giăng mắc quanh đỉnh hình thành vẻ đẹp riêng của Tam Đảo

 

Đường lên Tam Đảo

Quang cảnh Tam Đảo

Quang cảnh Tam Đảo

 

            Đoàn Tỉnh Sóc Trăng có 2 thành viên trong dịp may mắn đến thăm Đất Tổ Vua Hùng, có dịp ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của Vườn Quốc gia Tam Đảo cũng ước ao rằng ngày nào đó một hành trình Xuyên Việt của Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Sóc Trăng qua Quốc lộ số 2 đến Phú Thọ, Vĩnh Phúc lên Tây Bắc Tuyên Quang, Thái Nguyên và nhất định sẽ được đến ngắm nhìn cảnh tuyết rơi của xứ sở Lào Cai - Sa Pa xinh đẹp.

 

                                                                          CAO VĂN TÂM

                                                            Ủy viên BCH TW Hội CTN Việt Nam

                                                   Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng